11/29/2013

Điển cố trong thơ Hàn Mặc Tử

Việc nghiên cứu tư duy sáng tạo nghệ thuật đem đến cho chúng ta nhận thức về những con đường sinh thành, phát triển của hình ảnh, hình tượng và mạch xúc cảm trong tác phẩm nghệ thuật. Đối với tác phẩm thơ, tính kiệm lời mà đa nghĩa đã chi phối đến sự lựa chọn các thủ pháp, cách thức biểu hiện của nhà thơ. Ẩn dụ, hoán dụ, điển cố, so sánh... đã trở thành thủ pháp được yêu thích của các tác giả thuộc thể loại này.

Trong thơ Hàn Mặc Tử, bên cạnh việc sử dụng rất thành công các biện pháp tu từ như đã tìm hiểu, liên tưởng của thi nhân còn trượt rất xa về quá khứ để từ đó chiêm nghiệm, nhìn ngắm và xúc cảm về thực tại. Khi ấy, không gì đắc dụng hơn cho nhà thơ là việc sử dụng những điển cố. Điển cố theo cách hiểu của các tác giả Từ điển Tiếng Việt là: "sự việc hay câu chữ trong sách đời trước được dẫn trong thơ văn"1. Hai học giả người Mỹ gốc Trung Hoa là Cao Hữu Công và Mai Tổ Lân trong công trình Nghệ thuật ngôn ngữ thơ Đường cho rằng khái niệm điển cố tương đương với khái niệm "dụng sự" trong tiếng Hán, nghĩa là dùng một sự việc đã qua để ám chỉ một sự việc trước mắt2. Với những phân tích, lý giải khá cặn kẽ trên đối tượng thơ cận thể, hai tác giả này đã chứng minh tính hữu dụng của điển cố trong việc tạo nên sự hàm súc, kiệm lời của tác phẩm thơ. Trần Đình Sử trong công trình Thi pháp Truyện Kiều khá thống nhất với hai học giả trên ở quan điểm về bản chất điển cố là "dụng sự" nhưng tác giả này nhấn mạnh "điển cố nhắc điển để nói tình trong việc"3. Tình trong việc ở đây thuộc thì hiện tại trong cảm nhận của nhà thơ. Quách Tấn trong Thư gửi các bạn ham làm thơ Đường luật (Bức thư thứ mười bẩy) diễn giải: "Dụng điển là lấy sự tích nơi kinh sử đời xưa, mượn chữ mượn ý trong văn thơ cũ, trong cổ ngữ... đem vào tác phẩm để nói được kín đáo, được bóng bảy, được gọn gàng, nhất là gọn gàng những tình ý mà số chữ hữu hạn trong câu văn câu thơ không thể nói được đầy đủ"4. Như vậy, các quan điểm đều thống nhất ở chỗ điển cố là dùng sự việc hay câu chữ trong sách đời trước để soi ngắm, chiêm nghiệm hay biểu cảm về sự việc, tình huống của hiện tại, nó không phải là miêu tả sự việc của quá khứ mà là nối kết hiện tại với quá khứ bằng sợi dây "đồng đẳng" để biểu đạt hiện tại. Khi nghiên cứu Điển cố và nghệ thuật sử dụng điển cố, Đoàn Ánh Loan đã chỉ ra liên tưởng là một tính chất của điển cố. Theo tác giả này, "Sự liên tưởng, so sánh trong quá trình tư duy của người đọc là chất "xúc tác" kết hợp nghĩa trực tiếp của điển cố với hiện thực văn cảnh tạo nên đặc trưng của điển cố"5.

Điển cố trong thơ Hàn Mặc Tử không ít dù là một nhà thơ mới. Điển cố không chỉ xuất hiện trong những bài thơ luật Đường của tác giả mà dàn trải trong suốt hành trình thơ với tư cách như một thủ pháp. Thủ pháp này xuất hiện nhằm biểu đạt liên tưởng khi liên hệ những sự việc hiện tại với sự việc trong quá khứ, từ đó bộc lộ tình cảm, thái độ cũng như những tri nhận về hiện tại của thi nhân.

Liên tưởng của Hàn Mặc Tử rất hay xuất hiện hình bóng các nhân vật của quá khứ được lưu truyền trong sách cũ, trong giai thoại. Bao bọc xung quanh những nhân vật, địa danh ấy là những sự việc mà tác giả có thể liên tưởng đến trong tư duy. Bến Tầm Dương, bến Hàn Giang, Sở Giang, Ô Giang, sông Tần, Thiên Thai... trầm tích quanh nó những vỉa tầng ý nghĩa có thể làm chất liệu cho liên tưởng thẩm mĩ. Khi Hàn Mặc Tử Cao hứng, thi nhân thấy mình mang dáng dấp của những văn nhân xưa tài hoa, lịch lãm: Tôi làm Tô Đông Pha/ Đàn tương tư lạc điệu.../ Tôi bắt chước Hi Di/ Ngủ một trăm ngày dậy. Với phẩm chất ấy, thi nhân mơ tới giai nhân: Tôi thấy nàng Tây Thi/ Giặt sa trên bàn thạch/ Tôi ưng ả thuyền quyên/ Ở trong pho tình sử (Cao hứng). Là một cái tôi đa tình, lại khao khát những vẻ đẹp bất tử, Hàn Mặc Tử đi tìm trong chuyện xưa, sách cũ những bóng hình giai nhân không có tuổi như Tây Thi, Quý Phi, Điêu Thuyền, người lụa sông Tần, người lụa bến Tầm Dương... thực chất là mơ ước những vẻ đẹp của thực tại đừng hư hoại trong dòng chảy vô tình của thời gian. Các nhân vật ấy sống được là nhờ những việc có liên quan, khi nhắc người cũng có nghĩa là gọi về những việc xưa trong kho kinh nghiệm, hiểu biết của thi nhân. Và không thể khác được, thi sĩ có nghĩ đến những việc xưa liên quan đến nhân vật mới dùng nó để biểu đạt một xúc cảm, một nhận thức nào đấy của mình về thực tại. Từng nghiền ngẫm những chuẩn tắc của thơ cổ điển, Hàn Mặc Tử hiểu rõ cách xử lý điển cố để tạo hiệu quả cao nhất trong sáng tác của mình. Ở chỗ này liên tưởng phát huy khả năng lựa chọn điển cố và xử lý điển cố. Hàn Mặc Tử chuyển hoá những câu chuyện, sự việc, câu chữ của sách xưa trong tư duy và xúc cảm của riêng mình (ta biết rằng tư duy và xúc cảm ấy đã không còn ngoan ngoãn trong cương vực của thi ca trung đại nữa). Thời kì làm thơ Đường luật Hàn Mặc Tử bộc lộ những tâm sự thời thế khá rõ rệt qua việc sử dụng điển cố: Khắc khoải năm canh quyên nhớ nước (Canh khuya cảm tác). Câu thơ gợi liên tưởng đến câu chuyện Thục Đế mất nước, linh hồn hoá thành chim Đỗ Quyên mải miết gọi tự ngàn xưa. Thế nhưng Hàn Mặc Tử không dùng nguyên điển mà chỉ nhắc tên loài chim nhớ nước. Liên tưởng vì thế mà càng trở nên đa tầng bởi hiệu ứng của hội ý và hồi cố trước một điển tích đã được đào luyện một cách tài tình. Cũng như vậy, ở cuối bài thơ Canh khuya cảm tác để biểu đạt trạng thái mơ hồ, hư thực của mình khi bàng hoàng "trỗi dậy", Hàn Mặc Tử liên tưởng đến câu chuyện Trang Chu đời xưa. "Trang Chu nằm mộng thấy mình hoá thành bướm, bay nhởn nhơ như con bướm. Đột nhiên tỉnh dậy, chợt thấy mình lại là Trang Chu. Không biết có phải là Trang Chu nằm mộng thấy mình hoá bướm hay là bướm nằm mộng thấy mình biến thành Trang Chu ?"6:

Gối điệp mơ màng vùng trỗi dậy

Vừa toan tính đó có ai hay

Vượt qua tâm thức phi ngã của một nhà nho làm thơ để trở thành thi sĩ, đã có những biến chuyển lớn lao trong tư duy, liên tưởng của Hàn Mặc Tử, biểu hiện trong cách dùng điển cố. Liên tưởng tới khúc nhạc Phượng Cầu Hoàng, gắn với mối tình lưu truyền hậu thế của Tư Mã Tương Như và nàng Trác Văn Quân, cũng là cách để cái tôi đa tình với trái tim nhiều xúc cảm được thể hiện một cách tha thiết hơn, sâu sắc hơn: Ta là khúc Phượng Cầu Hoàng năm trước/ Đem ân tình rải khắp cõi nhân duyên (Duyên kỳ ngộ).

Sử dụng điển cố trong sáng tác của mình, Hàn Mặc Tử tạo nên chuỗi những liên tưởng hướng xa về quá khứ với những người, những việc có cơ sở tồn tại bằng ý nghĩa tượng trưng của nó. Khi những liên tưởng như vậy xuất hiện, nó sẽ xác lập một hoàn cảnh tượng trưng trên cơ sở "đồng đẳng" với thực tại khiến cho hình ảnh, hình tượng, cảm xúc xuất hiện mà không mất nhiều ngôn ngữ để diễn đạt. Điều này ẩn dụ không thể làm được dù khả năng biểu hiện của ẩn dụ có cao đến đâu. Lí do là ở chỗ ẩn dụ chỉ có thể tạo nên hình ảnh, hình tượng, cảm xúc mà không thể xác lập hoàn cảnh như "dụng sự". Nhắc lại mối tình nhiều gian truân trong Tây sương ký với kết cục chàng Trương Quân Thuỵ kết duyên cùng Thôi Oanh Oanh cũng là khát vọng về một tình duyên không lỡ dở, li tan của thi nhân trong hiện tại (có lẽ Hàn Mặc Tử liên tưởng đến vở Tạp kịch Tây Sương ký của Vương Thực Phủ đời Nguyên chứ không phải là Oanh Oanh truyện của Nguyên Chẩn đời Đường). Tuy nhiên, trong liên tưởng của Hàn Mặc Tử sẽ hiện về biết bao say đắm ngọt ngào, biết bao thề nguyền gắn bó của đôi uyên ương dưới mái tây kia, có nỗi đau chia biệt nghẹn ngào và niềm vui đoàn viên được kết xe cầm sắt. Có lẽ đó mới là xúc cảm ẩn dấu sâu nhất trong tâm hồn thi nhân (Cho Quân Thuỵ lấy nàng Thôi thuyền quyên/ Xuân vô cùng đến ngàn năm ơn phước - Duyên kỳ ngộ). Nguyên tắc đồng đẳng giữa sự việc của hiện tại và sự việc của quá khứ cả về hai chiều tương đồng và tương phản làm cho liên tưởng của Hàn Mặc Tử được mở rộng hơn. Cầu mong những mối tình trọn vẹn nhưng cũng luôn khắc khoải nỗi li tan. Cả hai điều ấy đồng hành trong liên tưởng của thi nhân. Trần Đình Sử nhấn mạnh tới việc biểu đạt cái tình của nhà thơ trong sự việc hiện tại thông qua liên hệ với sự việc của quá khứ chính là nhấn mạnh điều này. Rõ ràng Hàn Mặc Tử không nhằm miêu tả việc xưa, cũng không chú trọng miêu tả sự việc của hiện tại, mà trên hết là thái độ, tình cảm, tâm trạng của thi nhân về thực tại đó. Bên cạnh niềm hân hoan kỳ ngộ là những ám ảnh về bi kịch ái tình tan vỡ, nỗi cô đơn sầu tủi.

Một điểm cần phải nói ở đây khi tìm hiểu điển cố trong thơ Hàn Mặc Tử đó là có những điển cố có nguồn gốc từ văn học Việt Nam đời trước (Điển cố có nguồn gốc chủ yếu từ kinh, sử, truyện, thơ, văn, phú... của Trung Hoa, nhưng khi sống trong môi trường văn học Việt Nam các điển cố này dần được Việt hoá). Điều này cũng khá dễ hiểu bởi ảnh hưởng của những tác giả sau đối với những tác phẩm kinh điển của dân tộc. Khi Hàn Mặc Tử mai mỉa hành động kén chồng của cô Bích Ngọc bằng liên tưởng: Bảy chữ tám nghề thêm mệt não/ Năm lừa mười lọc tiếc cho công (Hỏi thăm cô Bích Ngọc) một chuỗi những sự việc có đầy đủ nhân vật, không gian, thời gian xuất hiện mà chẳng cần phải mất công mô tả. Bao nhiêu nỗi nhục nhã, ê chề, lừa lọc cứ lần lượt hiện ra trong điển cố "bảy chữ tám nghề" mà người xưa đã thâu tóm kia (Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề - Truyện Kiều). Thái độ của thi nhân như thế là rất rõ đối với dạng tân thời giả hiệu trong một xã hội lai căng nửa vời. Ở một trường hợp khác, trong tâm trạng ngất ngây trước vẻ đẹp của người tình trinh trắng, xuân thì, thi nhân liên tưởng tới vẻ đẹp của giai nhân trong kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du: Em kết tinh ở bao thanh sắc lạ/ Toà thiên nhiên đúc sẵn để mê say (Duyên kỳ ngộ), (Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên - Truyện Kiều).

Dụng điển là một thủ pháp đắc ý của các tác gia thuộc loại hình văn học trung đại. Xuất phát là một nhà thơ cổ điển để lao nhanh trên hành trình hiện đại hoá, trở thành nhà thơ lãng mạn, tượng trưng, men chớm vào siêu thực, Hàn Mặc Tử nỗ lực vượt ra khỏi những định lệ của thi pháp cũ, nhưng không phải hoàn toàn đoạn tuyệt với điển cố. Tư duy và mỹ cảm của thi nhân vẫn gọi về những dấu ấn cổ xưa để nói hộ tâm tư, tình cảm, thái độ của mình một cách kín nhiệm. Càng về cuối chặng đường thơ của mình khi sử dụng điển cố, liên tưởng của Hàn Mặc Tử càng thoát xa phong vị trang nghiêm, cổ kính của điển cố để gắn cái tôi cá nhân của mình vào ngôn từ, hình ảnh, hình tượng. Điển cố lúc này chỉ còn được sử dụng dưới các hình thức mượn tên, mượn chữ nhưng đặt trong môi trường câu thơ đã thay đổi rất nhiều so với chặng đầu. Điển cố trong những câu thơ, bài thơ hết sức tự do về câu chữ của Thơ mới đã dần bị đánh bật khỏi vị trí hạt nhân của tứ, trở thành những định ngữ, bổ ngữ trong câu thơ có mệnh đề lõi cốt biểu hiện cá tính của một cái tôi hiện sinh riết róng.

Aristote trong tác phẩm Nghệ thuật thơ ca đã nhận định: "... nhà thơ phải là người có tính sáng tạo và phải vận dụng thích đáng những tư liệu lưu truyền"7. Điển cố chính là những tư liệu lưu truyền mà một nhà thơ tài năng là người biết cách sử dụng đúng chỗ, đúng liều lượng để phát huy tối đa khả năng biểu đạt. Đồng thời người tiếp nhận cũng cần có một nền tảng tri thức nhất định mới có thể đồng cảm với tác giả. Khảo lại những điển cố trong thơ Hàn Mặc Tử giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn về sự kế thừa và chuyển hóa những sắc diện thẩm mỹ của thơ trữ tình Việt Nam trên quá trình hiện đại hóa.

Nguyễn Thanh Tâm

Nguồn: Toquoc

----------------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Phê (chủ biên)(2002), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, tr. 318.

2. Cao Hữu Công, Mai Tổ Lân (2000), Nghệ thuật ngôn ngữ thơ Đường, Trần Đình Sử, Lê Tẩm dịch, Nxb Văn Học, Hà Nội, tr. 288.

3. Trần Đình Sử (2007), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 290.

4. Quách Tấn (1998), Thi pháp thơ Đường, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 224.

5. Đoàn Ánh Loan (2003), Điển cố và nghệ thuật sử dụng điển cố, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 39.

6. Đinh Gia Khánh (chủ biên), Nguyễn Thạch Giang, Kiều Thu Hoạch, Vương Lộc, Bùi Nguyên, Nguyễn Ngọc San, Đặng Đức Siêu, Chu Thiên, Hoàng Hữu Yên (2008), Điển cố văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 179.

7. Aristote (2007), Nghệ thuật thơ ca, Lê Đăng Bảng, Thành Thế Thái Bình, Đỗ Xuân Hà, Thành Thế Yên Báy dịch, Đoàn Tử Huyến hiệu đính, Nxb Lao Động, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr 60 - 61.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét