11/25/2013

Khát vọng và bi kịch trong "Đời thừa" của Nam Cao

Lẽ ra với những tác phẩm như Đời thừa của Nam Cao, chúng ta không còn gì để bàn thêm bởi từ khi được đưa vào nhà trường, giá trị của tác phẩm này đã được các nhà nghiên cứu khẳng định ở rất nhiều phương diện. Góp thêm một lời bình, một cách đánh giá e rằng chỉ là nói theo, nói dựa. Tuy nhiên, không hiểu sao Đời thừa vẫn tạo nên những ám ảnh thôi thúc tôi viết bài này.

Bối cảnh của truyện là xã hội thành thị Việt Nam trong những năm 1930 – 1945. Nhân vật chính là văn sĩ Hộ. Anh là một tín đồ tự nguyện sống khổ hạnh để tôn thờ nghệ thuật. Hộ thừa hiểu dấn thân vào nghệ thuật là khổ, “mê văn quá nên mới khổ”. Khi chưa có gia đình, “đói rét không có nghĩa lí gì với một gã trẻ tuổi say mê lí tưởng” như Hộ. Hộ chỉ lo vun trồng cho cái tài của anh ngày một thêm nảy nở. Chính vì thế, anh đã “đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán”. Đây cũng là một phẩm chất cần thiết của người làm nghệ thuật. Người nghệ sĩ tất nhiên cần có vốn sống thực tế nhưng nếu không chịu đọc, không chịu tích lũy cho mình vốn tri thức thì khó mà có được những tác phẩm “để đời”. Hộ có khát vọng vô cùng cao đẹp. Đó là mong muốn viết một tác phẩm sẽ “ăn giải Nô-ben và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu”. Đây không phải là thói háo danh tầm thường mà là khao khát của một nghệ sĩ đích thực. Khi ý thức cá nhân thức tỉnh, nhân vật của Nam Cao muốn vươn lên để khẳng định giá trị của mình trên đời, muốn đem tài năng và tâm huyết để giúp ích cho đời, để không trở thành một người thừa, để không phải sống một cuộc đời thừa như cái tên tác phẩm đã nhắc đến. Nói không phải đây là thói háo danh tầm thường vì gắn liền với giải thưởng mơ ước ấy là một quan niệm về nghề nghiệp vô cùng nghiêm túc và tâm huyết. Hộ coi “sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là bất lương rồi nhưng cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Về giá trị của văn chương, Hộ quan niệm, một tác phẩm thực sự có giá trị phải “vượt lên trên mọi bờ cõi và giới hạn, phải là tác phẩm chung cho cả loài người”. Đây là câu văn rất quan trọng trong Đời thừa – và kể cả trong đời văn của Nam Cao. Chỉ tiếc là trong hầu hết các bài phê bình viết về tác phẩm, câu văn này chưa được quan tâm đúng mức. Nếu hiểu đây là lời phát biểu gián tiếp quan niệm nghề thuật của Nam Cao ta sẽ phần nào tìm được những thông điệp mà ông muốn kí thác qua mỗi tác phẩm của mình. Phải nói rằng, Nam Cao đã “ngôn chí” một cách đáng trọng cái chí lớn trong nghệ thuật.

Nhìn vào những kiệt tác lớn của nhân loại, người ta thường dễ thấy điều này, tác phẩm sở dĩ có sức sống vượt không gian, thời gian là vì nó thường chạm đến những vấn đề chung của nhân loại, những vấn đề mà ở bất cứ thời đại nào, dân tộc nào cũng quan tâm, khao khát. Để chạm đến những vấn đề của nhân loại như thế, Hộ cho rằng, tác phẩm “phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ vừa đau đớn lại vừa phấn khởi, nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình, nó làm cho người gần người hơn”. Mang một quan niệm như thế, tất nhiên Hộ không chấp nhận thứ văn chương bắt chước, hời hợt “làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho”, cũng không chấp nhận thứ văn chương dạng tiểu thuyết phong tục, “chỉ tả được cái bề ngoài của xã hội”. Không hiểu ở thời của Nam Cao đã xuất hiện thói đạo văn (cũng như đạo nhạc, đạo tranh,…) chưa và sự lười khám phá cũng như sự học đòi vô lối trong nghệ thuật có phải là một hiện tượng bức xúc không mà ông lại dị ứng với thứ nghệ thuật hời hợt một cách gay gắt như thế!. Ông độc địa đến mức dùng từ “đê tiện” để chửi thứ nghệ thuật hời hợt, cẩu thả.

Tuy nỗ lực đến tận độ nhưng Hộ không thực hiện được hoài bão của mình. Không phải do bất tài mà vì từ khi có gia đình, Hộ có bổn phận phải chăm lo cho vợ con. Danh dự của một người đàn ông không cho phép Hộ thản nhiên nhìn cảnh vợ con đói khát. Và vì thế, nếu trước kia Hộ khinh thường đói rét và “những lo lắng tủn mủn về vật chất” thì sau này, “những bận rộn tẹp nhẹp vô nghĩa lí đã ngốn một phần lớn thì giờ của hắn”. Hộ phải kiếm tiền để nuôi gia đình. Để kiếm tiền, Hộ không có cách nào khác ngoài viết văn. Đã thế, cuộc sống gia đình thúc bách buộc Hộ phải viết nhanh để có thêm tiền và vì viết nhanh nên Hộ đã viết ẩu. Như thế, anh đã vi phạm vào chính những tín điều thiêng liêng mà mình tôn thờ, phải cho “in nhiều cuốn văn viết vội vàng”, phải viết những bài báo để người ta đọc rồi “quên ngay sau lúc đọc”. Hộ đã không “khơi được những nguồn chưa ai khơi” như anh từng tâm niệm mà viết “toàn những cái vô vị, nhạt phèo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông” và rồi mỗi lần đọc lại, Hộ lại bị giày vò, mặc cảm, lại đay nghiến mình như một gã bất lương, đê tiện. Viết về nỗi giày vò của Hộ, phải chăng Nam Cao muốn mổ xẻ, phơi bày chính con người tinh thần của mình, muốn “thanh minh” với người đọc nỗi đau không viết được tác phẩm đạt giải Nô-ben như Hộ mơ ước? Nếu tin là vậy ta sẽ thấy Hộ, và cả Nam Cao càng thêm đáng trọng vì ít có người nghệ sĩ nào không mắc vào cái tâm lí cực đoan “văn mình vợ người”. Chỉ có điều nói hay không nói ra.

Tất nhiên dù tình cảnh bi đát Hộ vẫn chưa hoàn toàn hết nghị lực và lòng kiên nhẫn. Anh vẫn hi vọng đành phí đi một vài năm kiếm tiền chờ con lớn, Từ - vợ Hộ có một số vốn làm ăn. Khi ấy Hộ sẽ lại rảnh tâm theo đuổi nghiệp văn. Nhưng khổ nỗi, “từ khi đứa con này chưa kịp lớn, đứa con khác đã vội ra đời” khiến Hộ cứ triền miên gặp khó khăn. Anh càng chờ đợi, càng nỗ lực thì càng bế tắc. Hộ ý thức rõ sự bế tắc ấy mà không có cách gì cứu vãn nổi. Bỏ mặc vợ con đói khát ư? Hộ không thể làm được điều đó. Hộ không thể sống theo cái triết lí mà có một triết gia nào đó đã khuyên “phải biết ác để sống cho mạnh mẽ”. Bi kịch của Hộ còn là chỗ, anh phải đứng trước hai sự lựa chọn: nếu làm người chồng, người cha có trách nhiệm thì phải hi sinh khát vọng nghệ thuật, hi sinh cái “nghiệp” gắn với bao hệ lụy của mình; nếu muốn theo đuổi khát vọng nghệ thuật thì “phải biết ác”, phải rũ bỏ vợ con. Nếu Hộ chỉ chọn một trong hai thứ rồi quên hẳn thứ còn lại thì anh không đau khổ. Đằng này, Hộ không thể rời xa nghệ thuật lại càng không thể chối bỏ trách nhiệm với vợ con. Sự giằng xé giữa khát vọng và trách nhiệm đã làm tha hóa, biến Hộ trở thành con người khác hẳn. Không trở thành một nhà văn lớn đã đành, Hộ cũng không còn là người chồng, người cha tốt, cũng bê tha rượu chè và cục cằn với vợ con như một kẻ vũ phu tầm thường.

Đúng là qua tấn bi kịch tinh thần của Hộ, tác phẩm đã phản ánh chân thực tình cảnh của người trí thức nghèo trong xã hội cũ, gián tiếp bộc lộ quan điểm nghệ thuật của Nam Cao, đặt ra mối quan hệ giữa sống và viết như nhiều nhà nghiên cứu đọc ra từ lâu. Song nếu chỉ dừng lại như vậy, hình như ta chưa đánh giá hết tầm vóc của tác phẩm. Bi kịch của Hộ - như chính quan niệm văn chương của Hộ “vượt lên trên mọi giới hạn, bờ cõi”. Nó là bi kịch mang tính nhân loại chứ không riêng gì ở một thời đại, một xã hội nào. Ở bất kỳ xã hội nào, thời kỳ nào và ở bất kỳ lĩnh vực nào con người cũng gặp phải những mâu thuẫn như Hộ: mâu thuẫn giữa khát vọng và những khả năng, những điều kiện thực tế để đạt được khát vọng. Phần lớn trong chúng ta, ai sinh thời chẳng từng mang một khát vọng hướng tới một cái gì cao cả nhưng số người thực hiện được hoài bão của mình quá ít ỏi so với ngàn ngàn triệu triệu những kiếp sống lặng lẽ, vô danh. Chí hướng của Hộ lớn nhưng thực tế khắc nghiệt của cuộc sống khiến anh không đạt được ý nguyện của mình vì bao mối lo lắng nhỏ nhặt của đời thường. Tác phẩm vì vậy cũng chỉ ra sự đáng bận tâm của cái nhỏ nhặt trong đời sống, nhất là nỗi lo cơm áo. Nỗi lo này không chỉ “ghì sát đất” văn sĩ Hộ, làm cho anh không thực hiện được hoài bão mà còn có nguy cơ bào mòn nhân cách của anh. Hộ là người nghệ sĩ bất đắc chí. Muốn lưu danh với đời, muốn có ích cho đời mà đành chịu kiếp vô danh, chịu kiếp đời thừa. Cùng với biệt tài khai thác tâm lí nhân vật, cùng với những nỗ lực khám phá tìm tòi của nhà văn, đây cũng là một trong những khía cạnh làm nên sức sống của tác phẩm. Và với bi kịch mang tính nhân loại này, tôi tin Đời thừa là tác phẩm có thể được bồi đắp thêm bởi thời gian.

Ở một khía cạnh khác, điều làm tôi xót xa mỗi khi nghĩ đến Đời thừa là chỗ này: Tác phẩm (nhình như) chứa đựng một quyết tâm, một nung nấu của Nam Cao về những tác phẩm lớn trong tương lai. Ta chưa hình dung ra tầm cỡ của những tác phẩm ấy như thế nào nhưng chắc chắn những kiệt tác của Nam Cao trước đó chưa làm ông hài lòng. Thêm một lần xót xa khi tác phẩm Đôi mắt – một trong những thành quả đầu mùa của Nam Cao khi đi theo kháng chiến được coi là truyện ngắn xuất sắc của văn học Cách mạng, báo hiệu những thành công lớn sau này lại là một trong số ít những sáng tác cuối cùng của đời văn Nam Cao. Nhà văn hi sinh giữa lúc tài năng đang độ chín. Chúng ta chưa có một giải Nô-ben văn chương nào, chúng ta chưa có nhiều tác phẩm có thể sánh với những kiệt tác hàng đầu của thế giới (nếu không muốn nói một cách cực đoan là không có). Vậy mà định mệnh (nếu có) lại hẹp hòi với nền văn học dân tộc  đến thế sao?

Sưu tầm - Theo: Tapchisongthuong

0 nhận xét:

Đăng nhận xét