11/29/2013

Tổng hợp những kiến thức cần nhớ về tác phẩm "Vợ nhặt" - Kim Lân

VỢ NHẶT

I. Về tác giả.

Kim Lân tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài. Ông sinh năm 1920 tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết bậc tiểu học rồi phải đi làm.

Kim Lân bắt đầu sự nghiệp viết văn năm 21 tuổi với những câu chuyện mang tính chất tự truyện như: Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu, Cô Vịa,.... Trong những câu chuyện này, Kim lân đã thể hiện được khá sắc sảo không khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn và cuộc sống lam lũ của người nông dân Việt nam trước Các mạng tháng tám.

Kim Lân được dư luận đặc biệt chú ý khi ông đi vào mảng đề tài độc đáo: tái hiện sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê (những trò chơi như đánh vật, chọi gà, thả chim,...).

Sau Cách mạng tháng tám, Kim Lân tiếp tục làm báo, viết văn. Ông vẫn chuyên viết truyện ngắn và vẫn viết về làng quê Việt Nam - mảng hiện thực mà từ lâu ông hiểu biết sâu sắc. Năm 2001, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Những tác phẩm chính của ông bao gồm: "Nên vợ nên chồng" (tập truyện ngắn, 1955), "Con chó xấu xí" (tập truyện ngắn, 1962).

II. Về tác phẩm.

1. Xuất xứ tác phẩm "Vợ nhặt".

Truyện ngắn "Vợ nhặt" có tiền thân là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" - tác phẩm được viết từ ngay sau khi Cách mạng tháng tám thành công nhưng còn dang dở và mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), Kim Lân đã dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết "Vợ nhặt".

2. Nội dung chính của tác phẩm "Vợ nhặt".

a. Truyện ngắn gây chú ý cho người đọc ngay từ nhan đề truyện - một cái nhan đề nói được khá nhiều về hoàn cảnh, số phận của nhân vật chính. Tên truyện ghi nhận một tình huống éo le, độc đáo, bi thảm nhưng cũng thấm đẫm tình người. Đó là tình huống Tràng - một người đàn ông vừa nghèo, vừa xấu trai, lại là dân ngụ cư, thế mà giữa lúc cả thiê hạ đang đói khát lại lấy được vợ. Chuyện anh Tràng lấy được vợ gây ngạc nhiên cho người trong xón, bởi hai lẽ:

- Không ai nghĩ người như Tràng mà lại lấy được vợ.

- Trong thời buổi đói khát, người như Tràng nuôi thân, nuôi mẹ chẳng xong, mà còn dám đèo bòng vợ con.

Tuy nhiên, nếu không gặp hoàn cảnh như thế thì ai thèm lấy Tràng. Đau xót ở chỗ, câu chuyện cưới hỏi lại không diễn ra bình thường. Tràng lấy vợ, ai cũng ngạc nhiên. Người lớn, trẻ con xóm ngụ cư ngạc nhiên. Bà cụ Tứ cũng ngạc nhiên và chính tràng cũng "ngờ ngợ như không phải thế".

Tình huống éo le trên đã mở đầu cho sự phát triển của truyện và tác động đến diễn biến tâm trạng và hành động của các nhân vật trong tác phẩm.

b. Người đàn bà (sau này trở thành vợ Tràng) thật khổ. Đến cái tên để gọi thị cũng không có. Cảnh của thị bi đát đáng thương chẳng khác gì những người trong xóm ngụ cư. Sau lần gặp đầu tiên có chút hồn nhiên, lần thứ hai khi gặp lại, Tràng không thể nhận ra thị, bởi "Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gày xọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt". Người đàn bà đói ấy gợi ý để được ăn ("Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu!"). Và chỉ cần một lời đồng ý hào phóng của Tràng là ăn liền. Ăn luôn một chặp bốn bát bánh đúc. Thật tội nghiệp!

Tội nghiệp hơn, chị đã theo Tràng sau một lời nửa đùa, nửa thật của anh. Mọi thứ của một lễ cưới dù trang trọng hay sơ sài đều không có. Cả Tràng và thị đều nghèo quá. Họ đưa nhau về trong một không gian sặc mùi tử khí. Sự ngượng ngùng khó nói trong buổi tối đầu tiên ở nhà người lạ rồi bữa cháo đắng chát buổi sáng hôm sau sao mà thảm hại quá. Cuộc sống thảm thương và những con người như thị cũng đáng thương biết nhường nào/

c. Là một người từng trải, bà cụ Tứ có tấm lòng thật đáng quý. Trước sự việc quá bất ngờ liên quan đến con trai, quá trình tâm lí ở nhân vật này diễn ra khá phức tạp. Cũng như con trai, bà cụ Tứ đặt chân vào nhà trong sự ngỡ ngàng. Bà ngỡ ngàng trước một hiện thực dường như không thể hiểu được. Sự ngỡ ngàng của bà cụ tứ được khơi sâu liên tiếp bằng những câu nghi vấn: "Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?".

Thế nhưng rồi, từ sự ngỡ ngàng, bà cụ cũng hiểu ra. Bà lão "cúi đầu nín lặng". Sự nhín lặng của niềm xót xa, của nỗi lo lẫn niềm thương yêu trong lòng người mẹ nghèo khổ. Bà hờn tủi "Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì ...". Bà lo lắng "Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?". Bà cũng cảm thấy khổ tâm nữa: "Kể ra có, làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này". Bao lo lắng, cuối cùng dồn tụ trong câu nói đầy thương yêu của người mẹ: "Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá..."/

Tình thương yêu con giúp bà mẹ như có thêm niềm tin và nghị lực. Bà hướng các con đến một tương lai tươi sáng hơn bằng những câu chuyện giản dị về hạnh phúc. Bà khơi gợi trong lòng các con niềm tin vào cuộc sống. Tất cả những chi tiết ấy đã thể hiện tấm lòng thương con, thương dâu của bà mẹ nghèo. Trong bức tranh xã hội xám ngắt ấy, tình thương yêu của bà mẹ đã thực sự trở thành một ánh lửa thắp lên niềm tin và hơi ấm cho cuộc sống của những con người bất hạnh.

3. Nghệ thuật.

Truyện ngắn đạt được những thành công đặc sắc về nghệ thuật. Trước hết đó là cách dựng truyện tự nhiên, đơn giản nhưng chặt chẽ. Giọng văn mộc mạc, giản dị. Ngôn ngữ gần với khẩu ngữ hàng ngày nhưng vẫn có sự chắt lọc thật kĩ lưỡng tạo nên một chất giọng riêng rất cuốn hút. Tính cách nhân vật sắc sảo, sinh động tạo được nhiều ấn tượng.

4. Chủ đề.

Thông qua những hình ảnh thật xúc động, nhà văn đã vẽ lên bức tranh hiện thực xã hội nông thôn Việt Nam trong nạn đói 1945. Vẽ ra thảm cảnh, tác giả cũng đồng thời khẳng định chri có lòng nhân ái và sự quật khởi mới có thể giúp những người cùng khổ vượt qua được tai họa ghê gớm ấy.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét