11/29/2013

Yếu tố tự truyện trong sáng tác của Kim Lân

Nhìn ngắm dung mạo bên ngoài hàng ngày của cố nhà văn Kim Lân người ta dễ nhận ra rằng đích thị đây là một người của làng cầm bút, một người của giới có nội tâm. Nhưng bảo rằng, thử đoán xem ông là nhà thơ hay nhà viết văn xuôi, thì chịu... ấy là chưa kể là ông còn đóng phim - chả biết ông học làm diễn viên từ bao giờ, tại trường lớp nào, hay là chỉ học ở cái trường đời, mà thấy ông đóng vai này vai nọ, ông diễn rất được, rất vào. Ông là người đa tài chăng?

Trong lao động bình thường của một người viết văn xuôi luôn luôn xẩy ra một sự tranh chấp giữa một bên là cái ý định phải dấu mình đi để cho từ cái tình huống, cái bối cảnh, cái nhân vật… mà mình dựng ra sẽ nói lên cái tôi - tức là cái tư tưởng chủ đề, cái yêu, cái ghét của mình… và một bên là cái cảm hứng tự nhiên của một người cầm bút, là muốn được trực tiếp bày tỏ, diễn đạt, kể lể…

Đối với những phong cách văn xuôi giàu chất thơ hay những tác giả văn xuôi thường viết theo cảm quan hiện thực chủ nghĩa nghiêm ngặt thì sự tranh chấp trên thường diễn ra với những mức độ và sắc thái không giống nhau.

Nhìn ngắm dung mạo bên ngoài hàng ngày của nhà văn Kim Lân người ta dễ nhận ra rằng đích thị đây là một người của làng cầm bút, một người của giới có nội tâm. Nhưng bảo rằng, thử đoán xem ông là nhà thơ hay nhà viết văn xuôi, thì chịu... ấy là chưa kể là ông còn đóng phim - chả biết ông học làm diễn viên từ bao giờ, tại trường lớp nào, hay là chỉ học ở cái trường đời, mà thấy ông đóng vai này vai nọ, ông diễn rất được, rất vào. Ông là người đa tài chăng?

Cái người có tài, như là tài cầm bút viết văn làm thơ chẳng hạn, thì đôi khi có phô mình ra, có trổ mình ra một cách tự nhiên - có ý thức nghề nghiệp hay như là một sự trơn tay ngẫu hứng, thì cũng có thể hiểu được. Và đôi khi, chính cái trạng thái tự nhiên này ở họ, đã khiến cho trang viết của họ sinh động hơn, đưa đến cho bạn đọc sự thú vị hơn thì phải. Cái vinh quang và nhọc nhằn của nghề văn là phải tạo ra được ấn tượng, găm được vào tâm trí của người đọc những ý tưởng, những nỗi niềm thông qua hình tượng mà mình đã chưng cất lên với những sự lựa chọn chi tiết, ngôn từ, hình ảnh... Để tạo ra cái vinh quang chân chính này, vượt lên trên sự nhọc nhằn thanh quý này, ở một số nhà văn, đôi khi, lại nhờ vào kí ức bản thân và những kỉ niệm riêng tư. Khi cái kí ức và kỉ niệm ấy sống dậy, ùa vào trang viết, thấm vào nhân vật và hình tượng, cũng là khi yếu tố tự truyện xuất hiện trong sáng tác của họ.

Yếu tố tự truyện trong sáng tác của mỗi nhà văn vừa là con đẻ, là kết quả tất yếu của tất cả những gì thuộc về vốn liếng cuộc đời và vốn liếng nghề nghiệp của nhà văn đó, lại vừa là thành phần quan trọng góp phần tạo ra phong cách và vị trí của nhà văn đó. Đối với Kim Lân, điều này là rất rõ.

Cứ đọc lại nhiều trang văn viết về những thú chơi ở làng quê, những tập tục ở làng quê, ta thấy ông là một nhà văn xuôi thực thụ đã đành, ta cũng thấy ông có cả cái cốt cách phong độ của một nhà thơ theo cái lối riêng. Đồng thời, ngẫm nghĩ về những cảnh đời cảnh người cảnh trời cảnh đồng đất... thấy ông không dựng chúng lên từ thuần một góc nhìn, mà là từ vài ba góc nhìn. Cái cách dựng cảnh dựng nhân vật như thế ở Kim Lân ngay từ lúc mới cầm bút viết văn đầu những năm 1940 đã có, thì vài ba bốn chục năm sau, ông có điềm nhiên bước vào điện ảnh, nhận vai, và diễn, thì quả là không đáng ngạc nhiên gì nữa.

Người có vài ba cái tài như thế, nếu viết văn mà không đưa cái tôi của mình vào, thì mới lạ.

Cái tôi, cái yếu tố tự truyện ấy trong sáng tác của Kim Lân đã có mặt ngay từ đầu, ở những sáng tác đưa ông vào làng văn nước ta, như ở truyện Đứa con người vợ lẽ chẳng hạn. Đây là một truyện kể về một thanh niên có sức khỏe mà không có việc làm, nên bị đói, bị giày vò vì nỗi nhục không có ăn. Trong cái hoàn cảnh trớ trêu ấy anh ta hiểu ra cái lẽ đời, ít nhất là đối với mình rằng: Đã là con vợ lẽ thì bao giờ cũng thua thiệt, nghèo đói, bị sai khiến và hắt hủi. Truyện đọc lên thật buồn, và bực, may sao cũng có một đốm tươi vui, đó là sự có mặt của một người bạn - anh Thân. Thân đã an ủi Tư (đứa con người vợ lẽ), đã cho Tư ăn... đó cũng là một lẽ đời nữa: Ở đâu cũng có người tốt, người sẵn lòng cưu mang, đùm bọc người khác.

Trong cái bối cảnh đời sống Việt Nam những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỉ trước, đói là một hiện tượng toàn xã hội, là một thực tế hiển hiện lúc đó và còn gây ấn tượng mạnh cho đến tận bây giờ. Trước cái thực tế ấy, nhiều nhà văn đã viết, với cảm hứng phổ biến là tố cáo, lên án thực dân, phong kiến đã làm cho người ta đói, và qua đó, đặt vấn đề thay đổi trật tự xã hội, để khẳng định rằng: Cách mạng là tất yếu. Còn truyện Đứa con người vợ lẽ của Kim Lân hình như hơi khác thế. Ở đây ông chỉ phơi bày một nỗi khổ, một nỗi cơ cực của con người là bị đói, bị coi khinh, vì anh ta là con người vợ lẽ, thế thôi. Nhưng bảo rằng viết thế là thiếu tinh thần phản đế phong thì không phải, cũng như nói rằng bài thơ Thương vợ của Tú Xương là không có ý thức cách mạng, đâu phải thế!

Viết về một cảnh đời như vậy, tưởng rằng nhà văn chỉ thể hiện nỗi cảm thông, sự xót thương cho thân phận một số người xung quanh mình. Thế rồi khi có dịp bộc bạch, tác giả không ngần ngại kể: "Truyện ngắn đầu tiên của tôi có cái tên là Đứa con người vợ lẽ, in ở tờ Trung Bắc chủ nhật, khoảng năm 40 - 41. Đúng là chuyện của mình, với tất cả nỗi hờn tủi của mẹ con tôi.Truyện in rồi, ông anh cả tôi (con bà cả) cứ lục vấn, hạch sách tôi mãi...".

Thì ra là như thế.

Tôi không nghĩ là Kim Lân dũng cảm hay không dũng cảm, đã chân thực đến mức nào khi lấy một phần cuộc đời cơ cực của mình ra để dựng truyện như thế một cách chẳng ngại ngần. Chuyện cần tìm hiểu tiếp ở đây là: ở ngay thiên truyện vào nghề này, yếu tố tự truyện đã rất đậm. Vậy thì tiếp theo, trong cả cuộc đời cầm bút, tạo ra một văn nghiệp đáng kể ở Kim Lân, thì cái yếu tố tự truyện này đóng vai trò ra sao?

Thử dừng lại một chút với truyện ngắn Làng.

Có thể nói mà không sợ quá là: Nếu tìm hình tượng người nông dân Việt Nam trong thời hiện đại, khi họ bị bật ra khỏi ruộng đồng và làng quê của mình vì giặc ngoại xâm, họ đã nghĩ như thế nào, họ đã trải qua những tâm trạng nào, họ đã hành động vì cái gì và hành động ra sao...? Thì chúng ta sẽ không thể không phân tích hình tượng ông Hai trong truyện ngắn này để tìm ra những câu trả lời, cũng như việc chúng ta phân tích một số hình ảnh người nông dân khác trong sáng tác của Nguyễn Văn Bổng (Con trâu), Phan Tứ (Về làng, Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi), Nguyễn Thi (Người mẹ cầm súng, Ước mơ của đất, Ở xã Trung Nghĩa)... vậy.

Lấy bối cảnh tản cư hồi chống Pháp, truyện Làng nói với người đọc về sự gắn bó của người nông dân với làng quê của mình. Với họ, với ông Hai, thì quê mình cái gì cũng nhất, kể cả những cái gây ra nỗi khổ nhục của mình là cái sinh phần của nhà địa chủ. Xa làng quê, đối với họ là nỗi đau lòng ghê gớm chứ không chỉ là sự thấp thỏm về cái việc không có đồng đất để cấy cày. Thế nhưng tản cư, là không hợp tác với giặc, là hành động chống Pháp, nên họ chẳng từ nan. Truyện Làng cho ta thấy được một sự chuyển hóa từ lòng yêu làng quê tha thiết đắm đuối trở thành tình yêu nước, yêu quý sự nghiệp cách mạng và kháng chiến ở người nông dân. Hình tượng ông Hai là hình tượng đặc sắc, có sức sống từ chính những suy tư không một chiều mà vẫn đơn thẳng nơi ông, từ chính những hành động bộc trực của ông.

Cái hình tượng ấy, hóa ra lại là một phần đời của chính tác giả. Nhà văn Kim Lân bộc bạch: "cái không khí này đầu kháng chiến ở nông thôn, tôi đã đưa vào Làng. Lúc ấy, Tây còn đóng ở Cầu Đuống, tôi về làng chơi mấy lần, chứng kiến thế nào là "làng chiến đấu". Trong không khí ấy, cùng với dư luận bắn tin về làng Chợ Dầu việt gian đã khiến tôi viết truyện này. Ông Hai chính là tôi. Dù về nhiều khía cạnh, tất nhiên rất khác. Song cái cốt lõi tâm trạng vẫn là tôi - đó là tâm trí rất thật của dân tản cư".

Mọi chuyện trong sáng tác văn chương ngỡ như đều đã và còn có thể có. Trong một nhân vật anh hùng có một phần con người tác giả, trong một nhân vật dao động, phức tạp, cũng có một ít dáng dấp người tạo ra nó... Nhưng nhận là trong con người kì vĩ kia có một tí là mình có phần dễ hơn chăng? Hay hơn chăng?

Tôi cũng nghĩ là sau khi đã dựng lên hình tượng ông Hai, đã viết được nhiều truyện ngắn đặc sắc, nhà văn Kim Lân thổ lộ như thế, cho ta biết được cái yếu tố tự truyện ở các truyện của mình như thế, là ông chân thành và tin cậy ở bạn đọc lắm. Và hình như khi kể lại việc viết truyện Đứa con người vợ lẽ với truyện Làng, rồi từng chặng đường viết văn, đi theo cách mạng và kháng chiến cho người khác ghi lại như vừa chép, trên gương mặt đã nhăn nheo thường ẩn hiện một nụ cười thâm thúy cùng với ánh mắt tinh anh của ông, có lẽ cũng ánh lên một ý nghĩ: Ấy, cái sự viết văn cùng cách mạng với kháng chiến ở tôi chỉ có thế! Chung quy chỉ có thế!

Người khôn ăn nói nửa chừng... Các cụ xưa truyền lại trong ca dao dân ca thế. Nhà văn mà lại chả khôn à? Thì đấy, bao nhiêu là ngôn từ, là lời ăn tiếng nói trong dân gian vốn có từ trăm ngàn năm nay có là của riêng ai đâu, mà sao với những Nguyễn Tuân và Nguyễn Công Hoan, rồi Nguyễn Quang Sáng và Hoàng Phủ Ngọc Tường, với cả Kim Lân nữa đấy, lại thành ra những văn phẩm như thế?!

Ông cứ nhận rằng ông là cái anh chàng Tư con người vợ lẽ buồn tủi vì đói, vì thân phận thấp kém thế, ông lại cũng nhận ông là cái ông Hai hay khoe lung tung lang tang về làng, đầy âu lo thấp thỏm về làng và cũng đớn đau vì làng như thế đấy, nói như Nguyễn Trọng Tạo cách đây mấy năm trong thơ: Tin thì tin không tin thì thôi.

Cái yếu tố tự truyện trong sáng tác của Kim Lân (và của nhiều tác giả khác) tất nhiên, không chỉ do nhà văn tự kể ra, tự nhận vậy, thì người đọc mới biết.

Nhớ lại một loạt truyện ngắn viết về các keo vật và hội vật; kể về cách chọn gà giống, cách luyện chim giống để có những tông gà tông chim thành; dựng lại những cuộc chọi gà kịch liệt... ta cũng sẽ thấy có một anh Tài, một ông Kim Lân ở các nhân vật của truyện. Các nhân vật ấy trong cộng đồng làng xã kia mỗi người một vẻ, một mức sống khác nhau, một vị trí riêng nhưng đều có sự giống nhau là rất say mê với những thú chơi dân gian. Và vì có say mê nên họ lao vào các thú chơi ấy mà nhiều khi như quên đi tất cả: Vợ và con, ăn và uống, nắng và mưa... đến mức lúc thì trầm mặc u ẩn, lúc thì hứng khởi như điên, lúc thì toan tính như làm bạc giả, lại có lúc cũng hỉ hả phớn phở, có lúc cũng khích bác, ranh mãnh ranh ma...

Nhà văn đích thực là thế, họ không thạo cầm dao mà vẫn viết về cảnh đâm chém như thật cơ mà. Ấy là nói về nhà văn nói chung. Còn Kim Lân, thì từ bé ông đã đi làm kiếm cơm qua nhiều làng với nghề thủ công, ông đã biết đã hiểu nhiều trò chơi và thú chơi cũng như đã biết đã hiểu các cảnh đời và trò đời, nên đọc truyện phong tục thế sự của ông, thấy ông viết về nhân vật nọ nhân vật kia, mà hiện lên đôi chút con người ông, tâm trạng ông, cũng là phải.

Có ai kia thường ngại ngùng và lo sợ nữa, khi e là có người biết đến một số trang đời tư của mình, rằng đoạn này là còn bập bõm, dao động, đoạn kia thì nhầm lẫn, quá đà... Kim Lân thì không thế. Ông chả đến nỗi quá âu lo như thế. Chẳng những vậy mà có vẻ như ông cũng khoái kể ra cái đoạn đầu đời cầm bút của mình với những thua thiệt, những ngây thơ...

Sáng tác của Kim Lân thường lấy bối cảnh kháng chiến chống Pháp hồi chín năm ở vùng trung - thượng du Bắc Bộ, là vùng mà cảnh quan và con người, lịch sử và phong tục vốn rất quen thuộc đối với ông. Bố con ông gác máy bay trên núi Côi Kê là một truyện thường được nhiều nhà nghiên cứu Kim Lân nhắc tới, coi như đây cũng là một sự thành đạt của ông trên đường văn nghệ, bằng vào việc phản ánh chân thực con người kháng chiến mà góp phần tham gia Cách mạng và kháng chiến. Thật ra, ở cái thiên truyện dài ngót 80 trang in khổ 13 x 19 cm này, trong khuôn khổ của một truyện vừa thực thụ, nhà văn cũng bộc lộ cái tài cầm bút rất rõ. Ấy là những trang ông chỉ tả cảnh hai bố con ông Tư Mủng ở trên núi hay cảnh trò chuyện của ông Tư Mủng với ông thợ cắt tóc, hoặc những đoạn tả cảnh ông Tư Mủng chạy bom tìm con, rồi những trang tả cảnh đám đông họp chợ theo hiệu lệnh tiếng kẻng gác máy bay của ông Tư... Truyện đọc rất lôi cuốn, như mê đi, như xem phim có cảnh liền cảnh, bất ngờ mà hợp lí trong một sự dẫn dắt có ma lực mà chặt chẽ. Rồi ngẫm lại, truyện chẳng có gì là to tát ghê gớm gay cấn máu me cả, và cũng chẳng có thể tóm tắt lại được. Không có gì mà thành truyện, truyện hay nữa, tài của người kể là thế. Một đôi lần ngồi gần tác giả Bố con ông lão gác máy bay trên núi Côi Kê, tôi đã dợm giọng làm cái việc gợi gợi để nghe ông nói đôi lời về truyện này. Không rõ là ông định lảng tránh hay là vì đã chạm vào vùng kỉ niệm, ông lại quay ra kể lại những ngày kháng chiến của ông qua làng này làng kia, với những người này người nọ... tưởng như chả ăn nhập gì lắm. Người sáng tác nghiêm túc, trọng nghề, thì lại ít nói về ngón nghề mà hay kể về những điều tai nghe mắt thấy thì phải. Nhưng nghe ông kể, lại thấy là trong cái ông Tư Mủng rất có trách nhiệm, đã hết lòng với việc gác máy bay và cũng rất cam con kia, quả là có một ông Kim Lân lẫn vào nữa, lại thấy là ở cái ông thợ cạo hay chuyện, khéo tay ấy cũng có một chút Kim Lân nữa. Tôi chợt nghĩ: Lạy trời, sao Người cho ông nhà văn này lắm vốn đời, lắm sự trải đời để ông ta viết cứ tự nhiên như chơi, chuyện người ta lại xen tí chuyện mình mà đọc vào đến thế!

Nhưng thôi, hình như đã có một người nào đó kêu lên rằng: Này anh kia, sao anh lại cứ cho là trong anh lại không có tôi nhỉ? Trong nhân vật thì phải có nhà văn chứ.

Vả chăng, trong nghề văn, khi dựng nhân vật mà không để cho ngòi bút tự nhiên quăng vào đấy một ít suy tư, tâm trạng của mình, một đôi bước đường của mình, thì với ai chứ một số vị như Kim Lân, tôi đoán là các vị ấy đã bỏ nghề lâu rồi cũng nên.

Trong cuộc đời hơn 85 năm mà có tới hơn 60 năm sống với làng văn nghệ Việt Nam của mình, nhà văn Kim Lân đã ở với thị thành dễ có hơn nửa thế kỷ. Thế mà cái anh tôi, cái yếu tố tự truyện trong truyện ngắn của ông, thì chủ yếu, lại là cái anh tôi của một vùng nông thôn, của một người thợ thủ công có gốc gác nông dân. Tại sao vây? Tại cái tiềm năng vô tận, cái tiềm thức mãnh liệt của văn hoá dân gian - văn hóa nông nghiệp đã nhuộm đượm vào con người và cây bút của ông mà ra thế chăng? Chỉ biết là cái yếu tố tự truyện trong sáng tác của Kim Lân khi được đưa dẫn bởi cái cảm thức, tâm thức văn hoá dân gian này, thì truyện của ông càng như thấu đủ nhẽ đời, mà vì thế nhân vật của ông càng gần gũi với người đọc, tỏ ra có khả năng sống được lâu lâu trong trí tưởng của họ.

Kim Lân và nhân vật của ông, cảnh làng nước và tình nghĩa đồng bào trong trang viết của ông hẳn sẽ còn được bàn luận nữa.

Nguyên An

Nguồn: vanvn.net.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét